Kết quả bước đầu xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Cà Mau xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là yêu cầu phát triển bền vững, đây là một chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng và phát triển nông thôn một cách toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Nhằm quán triệt sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới đến với các tầng lớp trong xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiệnchương trình, với mục tiêu trọng tâm là đến năm 2015 toàn tỉnh có 20% số xã và năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiến hành rà soát, thống kê, đối chiếu và đánh giá mức độ đạt được trong từng tiêu chí nông thôn mới; trong đó, chọn huyện Thới Bình và 04 xã làm điểm chỉ đạo phong trào thi đua cấp tỉnh gồm xã Trí Lực (huyện Thới Bình), Tân Dân (huyện Đầm Dơi), Tân Hải (huyện Phú Tân) và Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời). Theo đó, mỗi huyện, thành phố cũng chọn 02 xã để làm điểm chỉ đạo của cấp mình và tổ chức cho các xã ký kết giao ước thi đua, từng hộ gia đình tự nguyện đăng ký thực hiện Chương trình.

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp tập trung và đa dạng hóa các hình thức để đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các ngành, các cấp, trọng tâm là cơ sở và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở… Công tác huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng và ngày càng chuyển biến tích cực. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn nông thôn trong tỉnh từ năm 2010 đến năm 2011 gần 2.000 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách là 1.107 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 67 tỷ đồng; vốn tín dụng 583 tỷ đồng; vốn dân góp 146 tỷ đồng và các nguồn khác 89 tỷ đồng).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố được phê duyệt Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015; 82/82 xã hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới; có 16/82 xã đã phê duyệt Đồ án quy hoạch, số xã còn lại đang lập và trình phê duyệt. Qua rà soát về kết quả và tiến độ thực hiện theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới đã có sự thay đổi tích cực, số xã đạt dưới 05 tiêu chí là 44 xã (giảm 14 xã so với trước khi triển khai); số xã đạt từ 05 - 09 tiêu chí là 33 xã (tăng 11 xã), số xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí là 03 xã (tăng 01 xã) và số xã đạt từ 13 - 16 tiêu chí 02 xã (tăng 02 xã so với trước khi triển khai).

Vai trò của HĐND các cấp được phát huy

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Có được những kết quả đáng khích lệ như vậy, trước hết là sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và sự tham gia tích cực của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt vai trò giám sát của HĐND các cấp đã được phát huy và tăng cường.

Nhìn chung, thời gian qua HĐND các cấp trong tỉnh luôn xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động của HĐND. Để nắm tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, HĐND các cấp thường xuyên tổ chức thực hiện các hình thức giám sát theo chuyên đề, giám sát thông qua xem xét các báo cáo của UBND và các ngành chức năng, thông qua việc tham gia các Đoàn công tác của cấp ủy, UBND và các ngành chuyên môn…. Thường xuyên giám sát công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các ngành, các cấp nhất là trong cộng đồng dân cư; giám sát công tác triển khai thực hiện Đề án, kế hoạch và công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới; việc huy động và lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án; giám sát việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân; giám sát việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, các hoạt động văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

Qua các hoạt động giám sát, HĐND các cấp kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị đến Trung ương, UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh những giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những hạn chế, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Minh Đương

Nhận xét

Bài liên quan